Tình hình các dịch bệnh lưu hành ở TP.HCM tuần qua

23/05/2025 01:00

Trong tuần 20 (12-18/5), TP.HCM ghi nhận gần 1.000 ca tay chân miệng, tăng hơn 40% so với trung bình tháng trước. Sởi và sốt xuất huyết ghi nhận xu hướng giảm nhẹ.

    Nốt ban trên chân trẻ bị bệnh tay chân miệng. Ảnh: Nguyễn Thuận.

    Theo cập nhật của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 20, Thành phố ghi nhận 916 ca tay chân miệng, tăng 40,1% so với mức trung bình 4 tuần trước. Đây là tuần có số ca mắc tay chân miệng cao nhất từ đầu năm đến nay.

    Lũy kế từ đầu năm, toàn thành phố đã có 6.711 ca mắc. Các địa phương có số ca bệnh cao gồm quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và quận 11.

    Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm dưới 5 tuổi. Bệnh có khả năng lây lan nhanh qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Nếu không được kiểm soát, bệnh có thể bùng phát thành dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non và nhóm giữ trẻ gia đình.

    Bên cạnh tay chân miệng, tình hình bệnh sởi cũng đang được theo dõi chặt chẽ. Trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 100 ca mắc sởi, giảm 24,5% so với mức trung bình 4 tuần trước.

    Tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 5.337 ca. Nếu tính từ đầu mùa dịch, con số này là 9.383 ca. Sởi tiếp tục ghi nhận nhiều ở TP Thủ Đức, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

    Trong khi đó, sốt xuất huyết duy trì ở mức ổn định nhưng vẫn cần cảnh giác. Tuần 20, thành phố ghi nhận 265 ca sốt xuất huyết, giảm nhẹ 2,8% so với mức trung bình 4 tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 7.690 ca được ghi nhận. Bệnh phân bố nhiều tại huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức.

    Trước diễn biến phức tạp của các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, HCDC khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, đặc biệt với tay chân miệng, bệnh đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở trẻ em.

    Để phòng bệnh tay chân miệng, HCDC khuyến cáo phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho trẻ. Các vật dụng trẻ thường xuyên tiếp xúc như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn cần được lau rửa và khử khuẩn mỗi ngày.

    Trẻ cần được dùng riêng các vật dụng cá nhân như ly uống nước, muỗng, khăn mặt. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt, loét miệng, nổi ban ở lòng bàn tay, bàn chân, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và cách ly kịp thời.

    Đặc biệt, phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu nặng như giật mình, lừ đừ, sốt cao không hạ, thở nhanh để đưa trẻ đi cấp cứu sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.

    Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.

    Bạn đang đọc bài viết "Tình hình các dịch bệnh lưu hành ở TP.HCM tuần qua" tại chuyên mục TIN TỨC.