![]() |
Một người đồng thời mắc đái tháo đường, suy thận mạn tính và bệnh gout, việc xây dựng chế độ ăn uống trở thành bài toán phức tạp. Ảnh: Premierepointepodiatry. |
Bác sĩ Dương Minh Tuấn, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết khi một người đồng thời mắc đái tháo đường, suy thận mạn tính và bệnh gout, việc xây dựng chế độ ăn uống trở thành bài toán phức tạp. Mỗi bệnh lý có yêu cầu riêng, đôi khi mâu thuẫn với nhau. Vì vậy, bữa ăn hàng ngày phải được điều chỉnh kỹ lưỡng để:
Giữ đường huyết ổn định (với người đái tháo đường)Giảm gánh nặng cho thận và hạn chế tích tụ chất độc (với suy thận)Kiểm soát nồng độ axit uric, phòng ngừa cơn gout cấpDuy trì cân nặng hợp lý, tránh suy mòn hoặc béo phìHạn chế đạm nhưng vẫn đủ nhu cầu
Với người suy thận, lượng đạm cần giảm để tránh làm tổn thương thận thêm, nhưng lại không thể loại bỏ hoàn toàn vì người đái tháo đường vẫn cần đạm để giữ cơ và ổn định đường huyết. Trong khi đó, bệnh gout đòi hỏi hạn chế đạm chứa nhiều purin (thịt đỏ, hải sản, nội tạng).
Vì vậy, bác sĩ Tuấn khuyến nghị lượng đạm là 0,6-0,8 g/kg cân nặng/ngày (áp dụng cho bệnh thận mạn độ 3-4, chưa lọc máu). Nguồn đạm nên chọn từ trứng, sữa ít béo, đậu phụ - với lưu ý kiểm soát kali và phospho nếu có chỉ định.
Kiểm soát đường và tinh bột chặt chẽ
Người bệnh nên ưu tiên tinh bột hấp thu chậm như yến mạch, gạo lứt, khoai lang luộc. Việc chia nhỏ bữa ăn giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Tuyệt đối tránh các loại đường đơn như bánh ngọt, nước ngọt hay kẹo.
Hạn chế purin để kiểm soát gout
Nội tạng, nước hầm xương, thịt đỏ, cá trích, cá mòi, tôm, cua và lươn cần tránh hoàn toàn. Rượu bia cũng là "kẻ thù" vì làm tăng acid uric và cản trở tác dụng của insulin.
![]() |
Bàn tay của bệnh nhân bị gout. Ảnh: BSCC. |
Giảm muối, kali và phospho
Theo bác sĩ Tuấn, lượng muối nên dưới 2 g mỗi ngày. Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh thực phẩm chế biến sẵn, dưa muối, mắm. Nếu bị tăng kali máu, bạn nên hạn chế trái cây như chuối, cam, bơ, cà chua sống. Phospho cao nên tránh lòng đỏ trứng, sữa đặc, phô mai và nước ngọt có gas.
Tăng chất xơ và rau xanh hợp lý
Chất xơ rất tốt trong kiểm soát đường huyết và tiêu hóa. Tuy nhiên, với người cần kiểm soát kali, nên luộc rau kỹ và bỏ nước luộc.
Gợi ý thực đơn một ngày (1.500-1.600 kcal)
Buổi sáng:
Cháo yến mạch nấu với sữa hạt không đường1 quả trứng luộcRau luộc như đậu bắp, mồng tơiTrà xanh hoặc nước ấmBữa phụ sáng: Nửa quả táo nhỏ hoặc vài miếng đu đủ (nếu không bị tăng kali máu)
Bữa trưa:
Cơm gạo lứt (1 lưng bát)Đậu phụ sốt cà chua (ít muối)Canh bí xanh nấu với 30 g thịt nạc bămCải thìa xào dầu ô liu1 miếng nhỏ thanh longBữa phụ chiều: 200 ml sữa đậu nành không đường (nếu không bị tăng kali)
Bữa tối:
Miến dong xào rau củ (cà rốt, su hào, bí xanh)Trứng tráng dầu ô liuRau muống luộc chấm xì dầu nhạtTrước khi ngủ (nếu cần): 1 ly sữa hạt không đường hoặc 1-2 bánh quy yến mạch không đường
"Trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh cần chú ý uống đủ nước, trừ khi bác sĩ có chỉ định hạn chế do suy thận giai đoạn cuối. Việc theo dõi định kỳ các chỉ số như huyết áp, đường huyết và axit uric là rất quan trọng để kiểm soát bệnh hiệu quả và phòng ngừa biến chứng", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người bệnh nên duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng mỗi ngày như đi bộ hoặc tập yoga, để tăng cường sức khỏe toàn diện. Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc đông y hoặc thực phẩm chức năng khi chưa có sự đồng ý từ bác sĩ điều trị.
Nhớ sống hạnh phúc nhé!
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.