4 loại thực phẩm bổ sung có hại cho người tăng huyết áp

26/05/2025 00:10

Một số loại thực phẩm bổ sung có thể gây nguy hiểm cho người tăng huyết áp. Các loại thực phẩm bổ sung này khiến tim phải làm việc nhiều hơn, ảnh h ưởng xấu tới mức huyết áp.

    Việc kiểm soát tăng huyết áp thường bao gồm thay đổi lối sống và dùng thuốc, nhiều người có xu hướng dùng thực phẩm bổ sung để hỗ trợ thêm. Mặc dù nhiều loại thuốc viên và bột này chứa các thành phần có nguồn gốc tự nhiên nhưng không phải tất cả đều thân thiện với tim và mức huyết áp. Cùng tìm hiểu một số loại thực phẩm bổ sung mà người bị tăng huyết áp nên tránh.

    Chiết xuất cam đắng gây tăng huyết áp

    Chiết xuất cam đắng có nguồn gốc từ vỏ khô của quả cam đắng, thường được sử dụng trong các loại thực phẩm bổ sung được bán trên thị trường để giảm cân và tăng cường hiệu suất thể thao. Tuy nhiên, đối với những người bị tăng huyết áp, chiết xuất này có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng.

    Tiến sĩ Columbus Batiste - bác sĩ tim mạch can thiệp được hội đồng chứng nhận và là đồng sáng lập của Healthy Heart Nation cho biết: Loại thảo mộc này chứa synephrine, có thể làm tăng huyết áp và gây ra nhịp tim nguy hiểm.

    Theo một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp cho thấy việc sử dụng cam đắng kéo dài có thể làm tăng huyết áp tâm thu thêm 6 mmHg và huyết áp tâm trương thêm 4 mmHg.

    Thực phẩm bổ sung này cũng có thể làm tăng khả năng xảy ra các biến chứng nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ. Giống như nhiều loại thực phẩm bổ sung sản xuất thương mại, cam đắng thường được kết hợp với nhiều thành phần khác. Vì vậy, nên đọc kỹ nhãn và hướng dẫn sử dụng để tránh tác dụng phụ nguy hiểm này.

    Rễ cam thảo

    Được biết đến với hương vị ngọt ngào đặc trưng và đặc tính làm dịu, rễ cam thảo được sử dụng như một phương thuốc thảo dược để làm dịu các vấn đề tiêu hóa, chống lại virus và làm dịu cơn đau họng. Tuy nhiên, nếu bị tăng huyết áp, tốt nhất là tránh các chất bổ sung cam thảo hoặc các sản phẩm có chứa cam thảo như một thành phần phụ.

    tang huyet ap anh 1

    Khi bị tăng huyết áp, tốt nhất là tránh các chất bổ sung cam thảo hoặc các sản phẩm có chứa cam thảo.

    Chuyên gia dinh dưỡng tim mạch Michelle Routhenstein, người sáng lập Entirely Nourished cho biết: Điều này là do cam thảo chứa acid glycyrrhizinic, một hợp chất có thể khiến cơ thể giữ lại natri, có khả năng gây tăng huyết áp. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngay cả liều lượng thấp rễ cam thảo chứa ít nhất 100 mg acid glycyrrhizinic cũng có thể làm tăng huyết áp đáng kể khi tiêu thụ thường xuyên.

    Ngoài ra, rễ cam thảo đã được chứng minh là làm giảm nồng độ kali. Lượng kali thấp có thể dẫn đến yếu cơ và nhịp tim không đều, gây thêm căng thẳng cho tim. Trong khi một số chất bổ sung rễ cam thảo tuyên bố không chứa acid glycyrrhizinic, hãy nhớ rằng chất bổ sung không được quản lý giống như thực phẩm hay thuốc. Điều đó có nghĩa là bạn có thể không luôn nhận được những gì nhãn ghi. Ví dụ, nghiên cứu trên phát hiện ra rằng hàm lượng acid glycyrrhizinic trong chất bổ sung được thử nghiệm thực tế cao hơn 50% so với lượng được liệt kê trên nhãn chất bổ sung.

    Thực phẩm bổ sung có chứa caffeine

    Caffeine không chỉ có trong cà phê buổi sáng hay trà chiều, nó cũng là thành phần phổ biến trong nhiều loại thực phẩm bổ sung có tác dụng tăng cường năng lượng, cải thiện sự tỉnh táo và tăng cường hiệu suất thể chất. Chuyên gia Routhenstein cho biết, chất kích thích phổ biến này có thể gây tăng huyết áp tạm thời, khiến nó trở thành lựa chọn nguy hiểm cho những người bị tăng huyết áp.

    tang huyet ap anh 2

    Thành phần caffeine thường có trong các loại thực phẩm bổ sung năng lượng và đồ uống, cũng làm tăng nhịp tim và huyết áp.

    Ví dụ, một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp phát hiện ra rằng các chất bổ sung caffeine làm tăng huyết áp tâm thu và tâm trương lên 2 mmHg. Mặc dù sự gia tăng nhẹ huyết áp này có vẻ vô hại nhưng ngay cả một sự gia tăng nhỏ khoảng 2 mmHg cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch ở những người có nguy cơ cao.

    Cây ma hoàng

    Ephedra (ma hoàng) là một loại thực phẩm bổ sung thảo dược đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một phương thuốc tự nhiên chữa cảm lạnh, đau đầu, ho và sốt, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Những năm gần đây nó trở thành một thành phần trong các loại thực phẩm bổ sung được quảng cáo là giúp giảm cân, tăng cường thể lực và tăng cường năng lượng. Tuy nhiên, theo chuyên gia Batiste, loại thảo mộc này chứa ephedrine alkaloid, hợp chất kích thích mạnh liên quan đến tăng huyết áp, đau tim, đột quỵ và thậm chí là tử vong đột ngột. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến thuốc hạ huyết áp và thuốc tim, khiến chúng kém hiệu quả hơn.

    Do những tác dụng phụ nghiêm trọng này, ephedra đã bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấm sử dụng trong các chất bổ sung. Mặc dù bị cấm trong các chất bổ sung chế độ ăn uống nhưng thành phần hoạt chất của ma hoàng là ephedrine có thể được tìm thấy trong một số loại thuốc dị ứng và hen suyễn. Do đó, bạn nên luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào có chứa ephedra được liệt kê trong thành phần.

    Nhớ sống hạnh phúc nhé!

    Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.