4 lưu ý cho người thích ăn sashimi

04/07/2025 18:06

Là món được nhiều người yêu thích, tuy nhiên, sashimi vẫn mang đến những rủi ro sức khỏe nếu không được xử lý đúng cách.

    Sashimi là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Ảnh: Freepik.

    Sashimi được biết đến như một món ăn ngon miệng, tươi sống. Nhưng đi cùng sự tươi sống ấy đôi khi là nhiều rủi ro cho sức khỏe. Nếu được bảo quản không đúng cách, những loại ký sinh trùng không thể nhìn thấy bằng mắt thường trong loại thực phẩm này có thể âm thầm gây hại cho đường ruột, dạ dày, thậm chí là hệ miễn dịch.

    Một trong những bệnh thường gặp khi ăn hải sản sống là viêm dạ dày ruột do Anisakis. Đây là loại giun nhỏ thường ẩn trong nội tạng cá, mực. Người nhiễm giun có thể bắt đầu thấy khó chịu chỉ sau vài giờ đến 1-2 ngày với các triệu chứng như đau bụng quặn thắt, buồn nôn, tiêu chảy... Trong một số trường hợp, ký sinh trùng còn xâm nhập vào niêm mạc dạ dày hoặc ruột, gây tổn thương kéo dài.

    Điều đáng nói là ngay cả những đầu bếp có kinh nghiệm cũng không thể đảm bảo 100% rằng một miếng cá trông “tươi ngon” là hoàn toàn sạch ký sinh trùng. Vậy nếu vẫn yêu sashimi, vẫn muốn thưởng thức hải sản sống, bạn nên ghi nhớ 4 điều sau.

    Ưu tiên nấu chín nếu có thể

    Có thể điều này nghe không "sành ăn" cho lắm nhưng nấu chín vẫn là cách đơn giản và hiệu quả nhất để loại bỏ ký sinh trùng. Đặc biệt với trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc người có hệ miễn dịch yếu, việc ăn cá sống không chỉ là rủi ro mà có thể trở thành mối nguy thật sự.

    Hãy chắc chắn rằng cá đã được đông lạnh đúng cách

    Nhiều người vẫn nhầm rằng chỉ cần cá “còn tươi” là ăn sashimi được. Nhưng thực tế, cá sống để làm sashimi không chỉ cần tươi mà cần đã được đông lạnh sâu theo chuẩn quốc tế. Cụ thể, cá nên được giữ ở -35 độ C trong ít nhất 15 giờ hoặc -20 độ C trong 7 ngày. Mức lạnh sâu này đủ để tiêu diệt trứng và ấu trùng của ký sinh trùng.

    Tuy nhiên, việc này không dễ đảm bảo nếu bạn mua cá ở chợ hay siêu thị thông thường. Vì vậy, nếu muốn tự làm sashimi tại nhà, bạn cần mua từ những nơi có quy trình xử lý sashimi chuyên nghiệp chứ không nên tùy tiện mua cá sống về cắt ra ăn.

    Tránh lây nhiễm chéo trong bếp

    Bạn có thể chọn nguyên liệu sạch, xử lý kỹ nhưng nếu dùng chung dao, thớt cho cá sống và thực phẩm đã nấu chín thì rủi ro vẫn xảy ra. Dịch từ cá sống khi bị dây sang các thực phẩm khác cũng đủ khiến bạn đau bụng cả ngày. Vì vậy, hãy tạo thói quen chia rõ dụng cụ, vệ sinh sạch sẽ tay và bề mặt bếp sau khi chế biến cá sống.

    Xử lý cá càng sớm càng tốt

    Đa phần giun ký sinh sẽ cư trú trong nội tạng cá như gan, ruột, dạ dày. Nếu không được loại bỏ sớm, chúng có thể di chuyển sang phần thịt cá. Vì vậy, với cá tươi mới đánh bắt, việc mổ bụng và bỏ nội tạng ngay sau khi mang về là rất cần thiết. Càng để lâu, nhiệt độ môi trường càng tạo điều kiện cho ký sinh trùng xâm nhập sâu hơn vào các mô thịt, khiến việc làm sạch sau đó trở nên vô nghĩa.

    Nếu bạn mua cá đông lạnh nguyên con, hãy kiểm tra kỹ bao bì. Ở những nơi bán uy tín, người bán thường sẽ ghi rõ thông tin xử lý trước đông lạnh. Nếu không thấy thông tin gì, tốt nhất hãy cân nhắc lại việc ăn sống.

    Những lời từ trái tim bác sĩ

    Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.

    Bạn đang đọc bài viết "4 lưu ý cho người thích ăn sashimi" tại chuyên mục TIN TỨC.