
Kể từ tháng 7/2025, TP.HCM chính thức bước vào một giai đoạn lịch sử mới, trở thành siêu đô thị với quy mô dân số và địa giới hành chính được mở rộng chưa từng có. Đồng hành cùng sự chuyển mình này, ngành y tế thành phố cũng đang bước vào một cuộc "lột xác" toàn diện.
Ngành y tế không chỉ gia tăng đáng kể về số lượng bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và đội ngũ y bác sĩ, mà còn điều chỉnh sâu rộng trong cách thức tổ chức, vận hành. Từ đó, đáp ứng một cách hiệu quả nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng và phức tạp của hơn 14 triệu người dân trong siêu đô thị mới.
Những con số khổng lồ
Sau sáp nhập, hệ thống y tế TP.HCM sẽ có những con số "khủng", phản ánh quy mô và tiềm năng phục vụ to lớn. Thành phố sẽ sở hữu 2 chi cục và 124 đơn vị sự nghiệp công lập.
Đáng chú ý, số lượng bệnh viện sẽ tăng lên 162 bệnh viện, bao gồm 12 bệnh viện Bộ, ngành, 32 bệnh viện đa khoa (có 19 bệnh viện tuyến quận, huyện được chuyển đổi thành bệnh viện đa khoa khu vực), 28 bệnh viện chuyên khoa và 90 bệnh viện ngoài công lập.
Mạng lưới phòng khám tư nhân cũng phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn bao giờ hết, với khoảng 9.886 phòng khám chuyên khoa và 351 phòng khám đa khoa.
![]() |
Số lượng cơ sở khám, chữa bệnh tại TP.HCM sau sáp nhập. Đồ họa: Phan Nhật. |
Cùng với đó là 15.611 cơ sở kinh doanh dược và nhà thuốc, đảm bảo cung ứng thuốc men đầy đủ cho người dân. Hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội cũng được mở rộng với 110 trung tâm, trong đó có 15 trung tâm công lập và 95 trung tâm ngoài công lập.
Dự báo nhu cầu khám chữa bệnh sau sáp nhập | |||
Nhãn | Trước sáp nhập | Sau sáp nhập | |
Ngoại trú | Triệu lượt | 42 | 51 |
Nội trú | Triệu lượt | 2.2 | 3.8 |
Sự gia tăng về quy mô này đi đôi với dự báo về nhu cầu khám chữa bệnh. Sở Y tế dự kiến số lượt khám bệnh hàng năm sẽ tăng vọt từ trên 42 triệu lượt lên trên 51 triệu lượt. Tương tự, số lượt điều trị nội trú cũng sẽ tăng từ trên 2,2 triệu lượt lên trên 3,8 triệu lượt mỗi năm. Dự kiến, TP.HCM sẽ cung ứng hơn 30% số lượt khám ngoại trú và hơn 23% số lượt điều trị nội trú của cả nước.
Năng lực cung ứng lượt khám chữa bệnh ở TP.HCM | |||
Nhãn | Cả nước | TP.HCM | |
Ngoại trú | % | 100 | 30 |
Nội trú | % | 100 | 23 |
Những con số này cho thấy rõ ràng vị thế và vai trò quan trọng của TP.HCM trong bức tranh y tế quốc gia.
Chuyển đổi theo lộ trình
Để vận hành một cách hiệu quả hệ thống y tế khổng lồ này, Sở Y tế TP.HCM đã và đang thực hiện những điều chỉnh mang tính đột phá trong tổ chức và vận hành.
![]() |
Lộ trình sắp xếp lại y tế cơ sở của TP.HCM sau sáp nhập. Đồ họa: Phan Nhật. |
Riêng với hệ thống cấp cứu 115, hiện thành phố có 1 Trung tâm cấp cứu 115 và 45 trạm cấp cứu vệ tinh. Để đảm bảo bao phủ toàn bộ địa bàn TP.HCM mới, ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh, giúp người dân tiếp cận dịch vụ cấp cứu nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Sở Y tế cũng sẽ tham mưu UBND TP phương án hợp nhất các trung tâm không giường bệnh có cùng tên gọi (như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Giám định Pháp y).
Mục tiêu của việc hợp nhất này là hướng đến sự tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
Vươn mình thành "siêu đô thị y tế" kiểu mẫu
Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định tầm nhìn chiến lược và đầy tham vọng, xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á.
TP.HCM cam kết dịch vụ sẽ có mức giá hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân trong nước, đồng thời vẫn đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
PGS Tăng Chí Thượng
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành y tế thành phố sẽ tập trung vào việc kiến tạo một hệ thống y tế đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp. Hệ thống này không chỉ đảm bảo tính công bằng xã hội trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cho mọi người dân mà còn đủ sức cạnh tranh quốc tế, thu hút bệnh nhân và chuyên gia từ các quốc gia trong khu vực.
"Người dân thành phố và các vùng lân cận sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đồng thời người nước ngoài cũng tìm đến TP.HCM như một điểm đến y tế uy tín", PGS Thượng chia sẻ.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Hàng loạt bệnh viện nghìn tỷ ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Với hệ thống y tế mới đa dạng về loại hình và số lượng, cùng quy mô địa bàn mở rộng, công tác quản lý của ngành y tế TP.HCM đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhu cầu về các dịch vụ y tế liên vùng, chuyên sâu; dịch vụ y tế tư nhân, y tế quốc tế có xu hướng mở rộng; và đặc biệt là nhu cầu về chuyển đổi số, hệ thống quản trị và kết nối dữ liệu sẽ gia tăng.
Chính vì vậy, Sở Y tế TP.HCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản trị điều hành. Điều này bao gồm việc số hóa mạnh mẽ để thuận tiện các hoạt động như quản lý hồ sơ sức khỏe, đặt lịch khám, lưu trữ và điều phối thông tin sức khỏe người dân toàn vùng.
Mục tiêu là đảm bảo phân bổ hợp lý nguồn lực, tăng cường kết nối giữa các tuyến và các cơ sở y tế. Đồng thời, ngành y tế cũng sẽ tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực, chuyên môn, thích ứng với mô hình tổ chức mới, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của người dân thành phố trong giai đoạn mới.
![]() |
PGS Tăng Chí Thượng trao đổi về những phát triển mạnh mẽ của ngành y tế TP.HCM trong thời gian tới. Ảnh: Long Hiếu. |
Để phục vụ tốt hơn cho người dân sau sáp nhập và khai thác tiềm năng của "siêu đô thị", Sở Y tế TP.HCM đã chủ động hợp tác chặt chẽ với các tỉnh lân cận. Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức ba hội thảo để thảo luận và đề ra nhiều giải pháp sau sáp nhập.
Thành phố sẽ thực hiện mô hình cơ sở 2, cơ sở 3 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành tại địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại chỗ mà còn là cơ hội để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch y tế.
Mô hình phát triển y tế của thành phố tập trung vào ba khu vực chính: khu vực trung tâm, Tân Kiên (huyện Bình Chánh) và Thủ Đức, với mục tiêu tạo ra một hệ thống y tế hiện đại, đồng bộ và chất lượng cao.
PGS Tăng Chí Thượng
Đồng thời, ngành Y tế TP.HCM sẽ tiếp tục tham mưu bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống y tế, với việc phát triển thêm các cụm y tế chuyên sâu thứ tư, thứ năm theo quy hoạch mới, ngoài ba cụm y tế chuyên sâu hiện có (cụm y tế Tân Kiên, cụm y tế trung tâm và cụm y tế TP Thủ Đức).
Việc đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công và huy động các nguồn lực xã hội sẽ được ưu tiên để phát triển hệ thống y tế TP, đảm bảo đạt mục tiêu 35,1 giường bệnh/vạn dân vào năm 2030.
PGS.TS Tăng Chí Thượng khẳng định, dù có những thay đổi về tổ chức, các trạm y tế vẫn sẽ tiếp tục cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân như khám, chữa bệnh, tiêm chủng và công tác dự phòng, đảm bảo người dân vẫn thăm khám bệnh bình thường.
Với những bước đi chiến lược và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngành y tế TP.HCM đang sẵn sàng cho một kỷ nguyên mới, vững vàng trên con đường trở thành một "siêu đô thị y tế" kiểu mẫu, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện và chất lượng cao cho người dân.
Nhân sự lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM sau sáp nhập
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM mới là ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (cũ). Trong 8 Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM mới có 4 nhân sự là Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM (cũ), gồm ông Nguyễn Anh Dũng, ông Nguyễn Hoài Nam, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu và ông Nguyễn Tăng Minh.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương (cũ) có 2 nhân sự gồm ông Nguyễn Hồng Chương, ông Huỳnh Minh Chín. Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) cũng có 2 nhân sự là ông Nguyễn Ngọc Triệu và ông Bùi Chí Tình.
Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.