![]() |
Một góc khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Không có tiếng máy thở, monitor dồn dập, không có những âm thanh gào thét đau đớn thường thấy, tầng 6 của Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đặt khoa U gan hoạt động theo một cách rất riêng.
13 phòng bệnh liền kề nhau đầy ắp bệnh nhân. Những mái đầu lốm đốm hoa râm, người mỏi mệt, nôn khan, người tranh thủ ngả lưng sau một ca phẫu thuật. Tất cả diễn ra một cách khẽ khàng, im ắng.
"Chưa cơn đau nào khủng khiếp như thế"
- Các ông năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Tôi 73 tuổi.
- Còn tôi 71 tuổi.
- Tôi năm nay 70 tuổi rồi mà lại trẻ nhất phòng này à?
Ba người đàn ông tại phòng bệnh số 10 cùng cười vang sau câu bông đùa. Kết thúc cuộc trò chuyện ngắn, ông Nguyễn Ngọc Bích (70 tuổi) ngả lưng xuống giường bệnh, đưa mắt nhìn về khung cửa sổ trong veo. Người đàn ông vóc dáng nhỏ thó, nước da đen nhẻm, đôi lúc lại buông ra tiếng thở dài.
Năm ngoái, cơ thể ông “đánh tiếng” bằng những cơn đau nhẹ vùng hông phải. Ông Bích chẳng nhớ rõ đã có bao nhiêu viên thuốc được mình cố nuốt xuống. Thế nhưng, cơn đau vẫn còn đó, chạy chữa khắp nơi vẫn không tìm ra bệnh.
Vào một trưa hè tháng 6, ông Bích cảm nhận được cơn đau khác thường. Dòng dịch nóng cứ đua nhau rỉ ra ở phần thân dưới. Đứng cũng không được mà ngồi cũng không xong.
"Tôi gần như lết khắp nơi tìm sự trợ giúp. Từ lúc sinh ra đến giờ, tôi chưa cảm nhận được cơn đau nào khủng khiếp như thế", ông Bích nhớ lại.
Xe cấp cứu đỗ trước thềm căn nhà nhỏ, đưa ông Bích đến bệnh viện tuyến tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy có khối u lớn ở gan, hiện đã vỡ do tác động mạnh. Lần đầu tiên, ông biết được nguồn cơn của những cơn đau quặn thắt.
Ông Bích không tin bản thân có thể sống khỏe mạnh đến hiện tại. |
Băng ca được đẩy thẳng vào phòng phẫu thuật. Từng dòng chất lỏng nhầy nhụa được lấy ra khỏi cơ thể ông. Khối u quá lớn, các bác sĩ chỉ có thể tạm hút dịch.
“Bệnh nhân có khả năng mắc ung thư gan rất cao”, ông Bích loáng thoáng nghe bác sĩ nói với con mình về tình trạng của bản thân trong cơn mê. Sau ca phẫu thuật, nỗi đau thể xác vẫn chưa kịp vơi bớt, nỗi đau tinh thần khác đã đến và dày vò ông hết phần đời sau. Giữa lằn ranh giữa tỉnh và mê, tâm trí người đàn ông 70 tuổi vẫn có chỗ cho một ý nghĩ mơ hồ “Mình chết chắc rồi”.
Nằm trên băng ca lạnh ngắt, ông Bích được chuyển thẳng đến Bệnh viện Chợ Rẫy với cùng với khối u được xử lý tạm và “bản án” ung thư gan treo lơ lửng trên đầu.
Băng ca lại được đẩy thẳng vào khoa Cấp cứu và một cuộc phẫu thuật khác lại được diễn ra. Sau ca mổ, phần khối u bị vỡ đã được cắt bỏ hoàn toàn. Vắt ngang bụng ông là một vết sẹo dài khoảng 25 cm hình chữ V ngược.
Những năm tháng sau đó, ông Bích đều đặn bắt xe ngược xuôi Bình Định - TP.HCM tái khám. Chi phí thuốc thang, ăn uống, đi lại, tốn ngót nghét của ông khoảng 2 triệu đồng. Dẫu vậy, ông chưa vắng mặt lịch tái khám dù chỉ một ngày.
Lần tái khám gần nhất, ảnh chụp phim cho thấy trên bề mặt gan lại xuất hiện thêm 3 khối u, cái lớn nhất khoảng 4 cm. Ông Bích tiếp tục được chỉ định mổ tiếp.
Nhìn lại những gì mình đã trải qua ở tuổi thập cổ lai hy, ông Bích không tin rằng bản thân lại có thể kiên cường, mạnh mẽ đến thế.
Không từ bỏ hy vọng
- Nhìn thuốc sợ quá, giờ tôi chẳng muốn uống nữa.
- Phải uống để còn khỏi bệnh chứ!
Ngồi trên chiếc giường gần cửa ra vào, ông Trần Ngọc Điệp nói với sang giường bên cạnh, giọng vừa khiển trách, vừa yêu thương. Suốt một năm qua, hàng chục lần ra vào bệnh viện, ông Điệp chẳng nhớ mình đã gặp gỡ bao nhiêu người, đã gửi đi bao nhiêu lời động viên như thế.
“Nhà có giỗ cũng phải bỏ để đi tái khám. Tôi chưa từng bỏ tái khám bất cứ ngày nào. Có bệnh thì phải cố mà chữa”, ông Điệp nói.
Khoảng một năm nay, ông Điệp tính nhẩm có khoảng 6 lần phải nằm trên giường mổ |
Sau trận sốt xuất huyết năm 2017, bụng ông Điệp xuất hiện cơn đau âm ỉ. Ông cùng con trai vội khăn gói đến bệnh viện kiểm tra, làn da lúc này đã ngả hẳn sang màu vàng. Ngày cầm trên tay chẩn đoán mắc viêm gan B, ông từ bỏ rượu bia, ngừng hút thuốc lá.
Thế nhưng, trớ trêu thay, cuối năm 2023, ông đau bụng dữ dội, phát hiện có khối u. Nhìn những cái lắc đầu bất lực của bác sĩ, ông Điệp biết nơi duy nhất rộng cửa chờ đợi mình lúc này là Chợ Rẫy - bệnh viện tuyến cuối phía Nam.
Nằm trên giường bệnh, ông Điệp cố gắng duy trì tư thế duỗi thẳng chân, tránh vận động mạnh để tụ máu. Những ngón chân in hằn vết sọc vàng, một biểu hiện thường thấy ở người mắc bệnh gan, thỉnh thoảng run lên vì mỏi.
Nếu như bom đạn chiến tranh đã lấy đi của ông 3 ngón chân trái thì cuộc chiến thầm lặng này đã rút cạn đi toàn bộ sức lực của ông. Ba lần đốt gan bằng sóng cao tầng, ba lần điều trị với phương pháp Toce để hạn chế sự phát triển của khối u, ông Điệp cũng chẳng rõ mình phải lên giường mổ thêm bao nhiêu lần nữa. Dẫu vậy, hy vọng về một tương lai xán lạn hơn vẫn ngập tràn trong lời nói, ánh mắt ông.
“Bác sĩ yêu cầu chữa thế nào thì phải tin tưởng chữa theo thế đấy. Dù đang bệnh, tôi thấy mình vẫn ổn hơn nhiều người”, ông Hiệp vừa cười vừa nói.
![]() |
“Chú ơi, hôm nay mình xuất viện nhé!”, điều dưỡng Trâm bước vào, nhẹ nhàng nói.
Nghe thông báo, ông Nguyễn Văn Hiệp lồm cồm ngồi dậy sắp xếp hành lý bỏ vào giỏ. Gọi là hành lý nhưng cũng chẳng có gì nhiều, vỏn vẹn vài chiếc khăn mặt, vật dụng cá nhân cùng túi hồ sơ bệnh án. Những lần ra vào viện liên tục đủ để ông hiểu những thứ thật sự cần thiết.
Như hàng trăm nghìn bệnh nhân khác, phần gan của ông Hiệp đã cơ mang lần tiếp xúc với máy móc, thiết bị y tế. Chưa đầy một ngày trước, ông được đưa vào phòng phẫu thuật để đốt khối u bằng sóng cao tầng. Đây là lần thứ ba ông được đưa vào căn phòng trắng toát ấy.
Ông Hiệp cho rằng tinh thần là yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống ung thư gan. |
Chỉ tay vào phần khối u chiếm khoảng 1/2 thể tích gan trên ảnh chụp PET/CT, ông Hiệp không quên được quãng thời gian gian khổ mà mình đã trải qua.
Lúc nghe thông báo mình mắc ung thư, ông thấy tay chân như rụng rời, khổ họng khô khốc chẳng thể bật thành câu. Ở tuổi 67, ông đủ hiểu khả năng sống của bản thân gần như rất thấp.
Thế nhưng, nhờ những lời động viên của gia đình, nhân viên y tế, ông vực dậy tinh thần để đối mặc với căn bệnh quái ác. Cứ xuất hiện khối u, ông lại tuân theo phương pháp chữa trị mà bệnh viện đề ra.
Ông Điệp chẳng biết căn bệnh này sẽ đeo đuổi mình đến khi nào. Thế nhưng, ông hiểu rõ, bản thân sẽ kiên cường chiến đấu đến giây phút cuối cùng.
“Mắc bệnh này thì đã xác định sống cùng với lũ. Quan trọng nhất là phải giữ tinh thần thoải mái”, ông Hiệp tâm sự.
Mỗi ngày, khoa U gan, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hàng trăm lượt khám, chữa bệnh. Các bác sĩ làm việc như con thoi để sát cánh cùng bệnh nhân trong "trận chiến" sinh tử này.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng khoa U gan, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đơn vị này tiếp nhận hơn 90% bệnh nhân ung thư khu vực phía Nam. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên cao vượt trội.
"Các khâu thăm khám đều được tối giản hóa để thuận lợi cho bệnh nhân. Các bác sĩ luôn làm việc liên tục, hội chẩn liên tục để mang đến kết quả hội chẩn sớm nhất", bác sĩ Huy chia sẻ.
Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y
Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y. Chạy trời không khỏi đau là tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.