Một bệnh viện tiếp nhận 70 ca sốt xuất huyết trong một ngày

25/07/2025 18:00

Sốt xuất huyết tăng nhanh tại Đồng Nai, nhiều ca nặng do tự điều trị tại nhà. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca mỗi ngày.

    Người bệnh sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai.

    Bà T.T.C. (ngụ xã Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán. Bệnh nhân cho biết trước đó bà bị sốt 2-3 ngày, đi khám thì được thông báo tiểu cầu giảm. Đến lần khám sau, bác sĩ chẩn đoán bà mắc sốt xuất huyết và yêu cầu nhập viện.

    “Lúc đó người tôi mệt lắm, sây sẩm, tưởng chỉ sốt bình thường nên không nghĩ bệnh lại nặng như vậy”, bà Chưởng nói. Theo bà, trong khu dân cư nơi sinh sống, nhiều người cũng mắc bệnh, có nhà cả ba người đều nhiễm. Chính quyền địa phương đã tổ chức xịt thuốc phòng dịch.

    Bác sĩ chuyên khoa I Phan Quang Huy, khoa Truyền nhiễm và Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, cho biết đơn vị này đang điều trị cho 46 bệnh nhân sốt xuất huyết, một ca thủy đậu và một ca tay chân miệng. Từ tháng 6 đến nửa đầu tháng 7, số ca sốt xuất huyết ghi nhận tăng nhanh. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 46-50 ca, có ngày lên đến 70 ca. Trước đó, những tháng đầu năm, số ca chỉ rải rác ở mức 30-40 ca/tháng.

    Phần lớn người bệnh nhập viện trong tình trạng sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể, có người đau bụng, nôn ói. Một số trường hợp ban đầu chỉ sốt nhẹ, tự điều trị tại nhà nhưng khi các triệu chứng trở nặng mới đến bệnh viện. Thậm chí, có người tự truyền dịch tại nhà khiến bệnh chuyển biến nặng hơn.

    Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân nhập viện vào ngày thứ 5 từ khi khởi sốt, xuất hiện dấu hiệu chảy máu chân răng. Người này đã được phát hiện giảm tiểu cầu khi khám tại tuyến dưới.

    “Khi bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết và tiểu cầu giảm, chúng tôi theo dõi sát, kiểm tra sức khỏe mỗi 3-4 giờ, làm xét nghiệm máu để phát hiện dấu hiệu nặng. Hiện người bệnh đã ổn định và tiếp tục được theo dõi”, bác sĩ Huy cho biết.

    Trước tình hình số ca mắc tăng nhanh trong mùa mưa và nhiều trường hợp điều trị muộn hoặc sai cách, bác sĩ Huy khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Khi bị sốt, người dân cần đi xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân. Đặc biệt không tự ý truyền dịch tại nhà vì có thể khiến bệnh diễn tiến xấu hơn.

    Nếu phát hiện ca bệnh, cần thông báo cho cơ sở y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài việc phát hiện sớm và điều trị đúng, người dân cũng được khuyên chủ động phòng bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, phát quang bụi rậm.

    Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?

    Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.