Con cá rô sống chui tọt vào họng bé trai 4 tuổi

08/07/2025 00:11

Bé trai đang chơi thì bất ngờ bị con cá rô đồng sống chui tọt vào họng, gây ho sặc sụa, ói ra máu. Bác sĩ phải khẩn trương nội soi gắp cá ra, cứu bé thoát nguy hiểm.

    Con cá rô sau khi được gắp ra từ cổ họng bệnh nhi. Ảnh: BVCC.

    Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu bé K.T.H. nhập viện trong tình trạng hóc dị vật là con cá rô đồng còn sống. Theo người nhà, chiều hôm trước, bé H. đang cầm con cá rô chơi thì bất ngờ cá chui thẳng vào cổ họng, khiến bé ho liên tục, sặc sụa. Dù người cha cố gắng lấy con cá ra nhưng không thành, gia đình vội đưa bé tới Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành.

    Tại bệnh viện, bé H. tiếp tục ho dữ dội, ói ra dịch đàm lẫn máu. Các bác sĩ đã cố gắng gắp con cá ra nhưng chỉ lấy được một số mảnh. Bé sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng khẩn cấp.

    Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Văn Phan, Trưởng khối Liên chuyên khoa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết các bác sĩ đã khẩn trương gây mê và nội soi gắp phần còn lại của con cá. Do cá rô có nhiều vây cứng, ngạnh sắc nhọn, đuôi bị nát, vảy rơi và kẹt trong hầu họng, một số xương còn cắm sâu vào mô xung quanh nên quá trình can thiệp gặp không ít khó khăn. Bác sĩ phải rất tỉ mỉ để tránh làm tổn thương thêm niêm mạc hầu họng của bé.

    hoc di vat anh 1

    Con cá rô được gắp ra từ cổ họng bé K.T.H. Ảnh: BVCC.

    Sau khi được lấy hết dị vật, sức khỏe bé H. đã ổn định, ăn uống trở lại bình thường và dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới.

    Bác sĩ Phan cảnh báo những tình huống hóc dị vật ở trẻ, đặc biệt với các vật thể sống như cá, côn trùng, thường nguy hiểm hơn nhiều so với các vật thể rắn thông thường. Dị vật sống có thể giãy giụa, di chuyển sâu vào đường thở hoặc gây tổn thương nặng cho niêm mạc, dẫn đến chảy máu, sưng nề, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

    "Phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ chơi với những con vật đang sống hoặc các vật nhỏ có thể bỏ vào miệng, bởi trẻ rất hiếu động, dễ vô tình nuốt hoặc để dị vật chui vào đường thở, đường tiêu hóa", bác sĩ Phan khuyến cáo.

    Khi trẻ có biểu hiện ho sặc sụa, tím tái, khó thở, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí ngay. Việc cố móc dị vật bằng tay khi không có kỹ thuật có thể làm dị vật chui sâu hơn, tăng nguy cơ tổn thương cho trẻ.

    Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.

    Bạn đang đọc bài viết "Con cá rô sống chui tọt vào họng bé trai 4 tuổi" tại chuyên mục TIN TỨC.