Cách ăn uống 'rước' sán vào người nhiều người không để ý

13/05/2025 01:00

Bệnh sán dây lợn có nguy cơ lây nhiễm cao khi có thói quen ăn uống như sử dụng thịt lợn sống hoặc chưa được nấu chín kỹ, điển hình là các món như tiết canh, nem chua, nem thính.

    Ẩu trùng sán dây lợn. Ảnh: Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương.

    Theo ThS.BS Đào Đức An, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ấu trùng sán dây lợn (Taenia solium) là bệnh ký sinh trùng nguy hiểm, xảy ra khi con người ăn phải trứng sán có trong thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm.

    Đây là bệnh lý phổ biến ở những quốc gia có điều kiện kinh tế khó khăn và hệ thống vệ sinh môi trường chưa đảm bảo như tại châu Phi, Mỹ Latin, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

    Bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác hay giới tính, đều có thể trở thành nạn nhân của căn bệnh này. Đặc biệt, bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao khi có thói quen ăn uống như sử dụng thịt lợn sống hoặc chưa được nấu chín kỹ - điển hình là các món như tiết canh, nem chua, nem thính.

    Lợn là vật chủ trung gian, mang trong mình các nang ấu trùng sán. Khi người ăn phải thịt lợn nhiễm ấu trùng, hoặc thực phẩm có nhiễm trứng sán từ phân người, nguy cơ nhiễm bệnh cao.

    Ngoài ra, thói quen ăn rau sống, củ quả chưa rửa sạch, dùng nước không đun sôi cũng góp phần làm tăng khả năng phơi nhiễm trứng sán dây lợn. Tùy theo vị trí nang sán ký sinh trong cơ thể, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng.

    Đáng lo ngại, ở những bệnh nhân mắc các bệnh lý nội tiết mạn tính như đái tháo đường, suy thượng thận, hệ miễn dịch suy yếu khiến nguy cơ nhiễm trùng nặng và biến chứng cao hơn bình thường.

    Theo bác sĩ Đào Đức An, khi phát hiện nhiễm sán dây lợn, bệnh nhân thường được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc diệt sán. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng như nang sán gây chèn ép hệ thần kinh, tắc mạch, giãn não thất hoặc ứ dịch não, phẫu thuật là phương án cần thiết để giải quyết biến chứng.

    Để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này, bác sĩ đưa ra những khuyến cáo sau:

    Luôn giữ gìn vệ sinh môi trường sống, xử lý chất thải đúng cách để tránh ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm.Chỉ sử dụng nguồn nước sạch đã đun sôi, đặc biệt trong ăn uống và chế biến thực phẩm.Thực hiện nguyên tắc "ăn chín, uống sôi", tuyệt đối tránh ăn thịt lợn tái, sống hoặc các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua…).Hạn chế ăn rau sống, hoặc cần rửa kỹ rau quả với nước sạch và ngâm trong dung dịch sát khuẩn nếu cần thiết.

    Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.