Bé gái có dây rốn dài 1m, xoắn vặn nhiều vòng

25/07/2025 18:00

Dây rốn thắt nút là mối nguy hiểm với mẹ bầu ở nước ta và khắp thế giới. Các biến chứng có thể xảy ra cả trong quá trình mang thai lẫn quá trình chuyển dạ, nhận biết dây rốn thắt nút sẽ giúp thai phụ có biện pháp ứng phó.

    Bé gái có dây rốn dài 1m, xoắn vặn nhiều vòng - Ảnh 1.

    Em bé vừa chào đời với vòng dây rốn dài, được cho là hiếm gặp - Ảnh: BVCC

    Tỉ lệ dây rốn thắt nút chiếm 0,3 - 2,2% các trường hợp mang thai và tỉ lệ tử vong của thai nhi gặp phải tình trạng này thường tăng cao gấp 4 lần so với thai bình thường.

    Hiếm gặp dây rốn dài gấp đôi trẻ bình thường, thắt nút

    Ngày 24-7, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết bệnh viện đã phẫu thuật kịp thời cứu sống thai nhi có dây rốn bất thường, hiếm gặp.

    Theo đó, thai phụ N.T.N.T. (25 tuổi, ngụ tại Hà Nội) được phát hiện thai tăng cân chậm rõ từ tuần 30. Do các chỉ số doppler và vận động thai vẫn trong giới hạn cho phép nên chị được hẹn tái khám sát để theo dõi kỹ sự phát triển của thai nhi.

    Tới tuần 36, trong một lần khám định kỳ, bác sĩ phát hiện tim thai dao động kém khi theo dõi. Sản phụ được nhập viện ngay và theo dõi sát. Có thời điểm biểu đồ tim thai bình thường, nhưng cũng có lúc dao động kém, không ổn định.

    Sau 4 ngày, ghi nhận tim thai có nhịp chậm, bác sĩ Bùi Chí Dũng (khoa phụ A5) đã hội chẩn cùng tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt (trưởng khoa sản bệnh A4) của bệnh viện và quyết định chỉ định mổ lấy thai cấp cứu nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho cả mẹ và bé.

    Bé gái chào đời nặng 2,3kg. Khi phẫu thuật, ê kíp phát hiện dây rốn bất thường: dài khoảng 1m, gấp đôi bình thường và xoắn vặn nhiều vòng. Đây là yếu tố nguy cơ cao có thể làm giảm lưu lượng máu qua bánh rau, cản trở trao đổi oxy, dinh dưỡng giữa mẹ và thai nhi và là nguyên nhân dẫn tới thai lưu.

    May mắn chính độ dài bất thường này đã giúp dây rốn chưa bị xoắn chặt hoàn toàn. Nếu dây rốn ngắn hơn, các vòng xoắn siết nhanh, chặt hơn sẽ gây tắc dòng máu nuôi thai, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trước khi can thiệp.

    Trường hợp đặc biệt này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc theo dõi sát sao và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ. Những dấu hiệu như thai nhi đạp ít hơn bình thường, không đạp... cần đi khám sớm để tránh những hậu quả nghiêm trọng.

    Dây rốn thắt nút là mối nguy hiểm với mẹ bầu

    Bác sĩ Bùi Chí Dũng cho biết dây rốn đóng vai trò vô cùng quan trọng, đây là đường dẫn khí oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai, đảm bảo em bé phát triển khỏe mạnh khi còn trong bụng mẹ.

    Khi dây rốn thắt thành một nút thắt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình mang thai và chuyển dạ. Khi tình trạng này xảy ra, thai nhi sẽ không được cung cấp các dưỡng chất cần thiết. Mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt lỏng hoặc thắt chặt của dây rốn. 

    Nếu thắt lỏng thì thai sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, ngược lại nếu dây rốn thắt chặt thì tuần hoàn của thai nhi sẽ bị cản trở, em bé có thể tử vong ngay trong bụng mẹ. Tỉ lệ thai lưu khi dây rốn thắt nút là rất cao.

    Tuy nhiên rất khó xác định chính xác thời điểm tạo thành hoặc hình ảnh dây rốn thắt nút trong thai kỳ của người mẹ, vì không phải lúc nào vị trí thắt nút cũng thuận lợi cho hình ảnh trên máy siêu âm.

    Vòng dây rốn có thể tạo thành từ rất sớm, lúc bé chỉ 9 - 12 tuần tuổi thai. Ở giai đoạn này, thể tích nước ối nhiều hơn thể tích thực mà thai nhi chiếm chỗ. Việc phòng tránh hiện tượng dây rốn thắt nút là điều rất khó, người mẹ chỉ có thể chẩn đoán thai nhi gặp phải hiện tượng dây rốn thắt nút bằng siêu âm và ở những tuần đầu thai kỳ. 

    Lúc này thai nhỏ và dây rốn chưa dài nên bác sĩ có thể nhận biết thông qua việc xác định dây rốn bị cuộn vòng tròn. Càng ở tuần thai lớn hơn thì dây rốn dài hơn và em bé cũng lớn hơn, rất khó nhận biết được dây rốn đang cuộn vòng tròn hay đang thắt nút.

    Dây rốn thắt nút là do trong quá trình thai nhi cử động, vô tình di chuyển qua các vòng cung của dây rốn tạo thành nút thắt. 

    Có một số yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ dây rốn thắt nút như: Dây rốn quá dài; thai phụ đa ối; kích thước thai nhi nhỏ; thai nhi là bé trai (hiếu động); thai phụ bị tiểu đường thai kỳ; thai phụ mang song thai một túi ối; thai phụ có chọc dò ối thai kỳ; thai phụ từng sinh nhiều; thai phụ dùng các chất kích thích khi mang thai.

    Khi đã phát hiện dây rốn thắt nút, không có cách nào có thể tháo nút thắt này ra, công tác điều trị lúc này chỉ tập trung cho sự an toàn của thai nhi. Đa số trường hợp phải mổ bắt con càng sớm càng tốt trước khi suy thai xảy ra. 

    Nếu thắt nút dây rốn xảy ra trong quá trình chuyển dạ, thai nhi cần được giám sát, đo nhịp tim để phát hiện bất thường của nhịp tim thai. Hầu hết trường hợp dây rốn thắt nút cần phải sinh mổ, không thể sinh tự nhiên vì nguy cơ rất cao.

    Theo bác sĩ Bùi Chí Dũng, không có cách chữa cũng như phòng ngừa dây rốn thắt nút hiệu quả. Vì vậy, việc nhận biết thông qua sự theo dõi cử động thai đóng vai trò quyết định trong công tác cấp cứu dây rốn thắt nút.

    Đã có rất nhiều trường hợp cấp cứu thành công dây rốn thắt nút song cũng có vô số trường hợp đáng tiếc xảy ra, vì vậy thai phụ không nên lơ là, đặc biệt là trong những tháng cuối thai kỳ.

    Thai phụ nên đến khám ngay để đánh giá sức khỏe thai nếu phát hiện các dấu hiệu dây rốn thắt nút như: thai nhi cử động thai ít hoặc yếu, bụng trồi, không tròn.

    Đặc biệt, trong thai kỳ, thai phụ theo dõi cử động của thai nhi bằng monitor thường quy từ 36 tuần. Theo dõi sát tim thai trong chuyển dạ bằng máy monitor có thể phát hiện rất sớm trường hợp suy thai để đưa ra hướng xử trí kịp thời, giúp em bé sinh ra khỏe mạnh.

    Bất ngờ bé gái có dây rốn dài 1m, xoắn vặn nhiều vòng - Ảnh 2.Bé trai còn nguyên cuống dây rốn bị bỏ rơi trước cổng trung tâm nhân đạo ở phường Dĩ An, TP.HCM

    Bé trai còn nguyên cuống dây rốn, nặng khoảng 2kg bị bỏ rơi trước cổng Trung tâm nhân đạo Quê Hương ở phường Dĩ An, TP.HCM.

    Đọc tiếp Về trang Chủ đề

    Bạn đang đọc bài viết "Bé gái có dây rốn dài 1m, xoắn vặn nhiều vòng" tại chuyên mục TIN TỨC.