Những nguy cơ và lời khuyên quan trọng khi cần chụp CT

Thực tế đã có không ít những thông tin đồn đại về nguy cơ liên quan đến việc chụp CT, nên lựa chọn thế nào khi cần chụp chiếu và chỉ định?

chụp CT - Ảnh 1.

Trước khi chụp CT, hãy hỏi bác sĩ những câu hỏi quan trọng. Quyết định đúng luôn cần đối thoại cởi mở với bác sĩ, không phải sợ hãi mù quáng - Ảnh: AI

Tia X trong chụp CT là bức xạ ion hóa, có thể gây tổn thương DNA và tạo nguy cơ hình thành ung thư.

Có nguy cơ từ tia X?

Nghiên cứu năm 2013 của giáo sư John D. Mathews tại Đại học Melbourne theo dõi hơn 680.000 trẻ em và thanh thiếu niên cho thấy nguy cơ mắc ung thư ở nhóm từng chụp CT cao hơn 24% so với nhóm không chụp.

Ở người lớn, phân tích năm 2022 của tiến sĩ Ying Cao tại Đại học Y Bắc Kinh cho thấy người từng chụp CT có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 17%. 

Nghiên cứu của tiến sĩ David Brenner năm 2001 cũng chỉ ra chụp CT ở trẻ nhỏ có thể tăng nguy cơ bạch cầu và u não.

Tuy nhiên cần đặt con số này vào bối cảnh thực tế. Một lần chụp CT ngực tạo ra khoảng 7 mSv - tương đương lượng bức xạ tích lũy trong 2 năm sống bình thường, hoặc tương đương với việc hút khoảng 700 điếu thuốc về tác động lên nguy cơ ung thư. 

So sánh với nguy cơ tử vong do tai nạn giao thông (1%), nguy cơ tử vong do ung thư từ một lần chụp CT ngực chỉ khoảng 0,014 - 0,04%.

Để có cái nhìn toàn diện hơn, theo báo cáo năm 2024 từ Văn phòng Y tế Công cộng Hoa Kỳ, uống rượu thường xuyên làm tăng khoảng 5% nguy cơ ung thư hằng năm. Rõ ràng, chụp CT không phải yếu tố nguy hiểm nhất trong đời sống hiện đại.

Cách đưa ra quyết định đúng

Chụp CT là sự đánh đổi giữa lợi ích cấp thời và rủi ro tiềm tàng. Với bác sĩ, quyết định cho chụp CT không bao giờ dễ dãi. Họ luôn cân nhắc liệu việc phát hiện bệnh sớm có đáng đánh đổi bằng nguy cơ nhỏ về bức xạ hay không.

Ngành y áp dụng nguyên tắc ALARA - "As Low As Reasonably Achievable": dùng liều bức xạ thấp nhất có thể nhưng đủ tạo ảnh rõ nét. Với các đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, hoặc người bệnh mạn tính cần chụp lặp lại, các phương án như MRI hay siêu âm thường được ưu tiên.

Người bệnh nên chủ động hỏi bác sĩ: việc chụp có thật sự cần thiết? Có lựa chọn an toàn hơn không? Tôi sẽ tiếp xúc với bao nhiêu bức xạ? Quyền được hỏi và được giải thích rõ ràng là một phần của quyền được bảo vệ sức khỏe.

Lời khuyên thực tế khi được chỉ định chụp CT

Trước khi chụp CT, hãy hỏi bác sĩ những câu hỏi quan trọng: "Có phương án thay thế nào không?", "lợi ích cụ thể là gì?", và "liều bức xạ có được kiểm soát không?".

Hãy nhớ rằng mỗi người tiếp xúc trung bình 3 mSv bức xạ tự nhiên mỗi năm từ đất, khí trời và thực phẩm. Một lần chụp CT bụng có thể lên tới 10 mSv - tương đương 3 năm bức xạ tự nhiên.

Tuy nhiên đừng từ chối mọi chỉ định mà hãy cân nhắc dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể. Quyết định đúng luôn cần đối thoại cởi mở với bác sĩ, không phải sợ hãi mù quáng.

TS. Nguyễn Cao Luân (sinh năm 1990) là tiến sĩ chuyên ngành Liệu pháp Miễn dịch tốt nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Lowy, thuộc Đại học New South Wales (UNSW), Sydney, Úc.

Anh là Đồng sáng lập Ruy băng tím - một tổ chức phi lợi nhuận tiên phong trong công tác phòng chống ung thư tại Việt Nam, và đồng thời là Nhà sáng lập kiêm Tổng biên tập của STEM Việt Nam - dự án khoa học phổ thông độc lập ra đời với sứ mệnh đưa tri thức khoa học đến gần hơn với công chúng Việt bằng một ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu và đầy cảm hứng.

Với tinh thần bền bỉ và đam mê không ngơi nghỉ trong việc lan tỏa tri thức và phục vụ cộng đồng, Nguyễn Cao Luân đã được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách "30 Under 30" năm 2020 - ghi nhận những cá nhân trẻ nổi bật có tầm ảnh hưởng tích cực trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.

Chụp CT: Cứu người hay hại người? - Ảnh 2.Chụp CT, tá hỏa phát hiện sán rải rác khắp cơ thể người bệnh

Thấy đau vùng thắt lưng lan sang phải kèm theo tiểu buốt nên bệnh nhân đi kiểm tra thì tá hỏa phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://www.vanhien.info/nhung-nguy-co-va-loi-khuyen-quan-trong-khi-can-chup-ct-a9981.html