Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính - Ảnh minh họa: TTO
Theo một đánh giá được công bố trên tạp chí Advances in Nutrition, những đồ uống có đường như soda có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn so với những thực phẩm có đường như bánh quy, bánh ngọt.
"Thay vì đưa ra những tuyên bố chung như loại bỏ hoàn toàn đường, nghiên cứu chỉ ra nguồn gốc, dạng đường và các chất dinh dưỡng đi kèm là những yếu tố then chốt quyết định mức độ rủi ro", tiến sĩ Karen Della Corte, ngành dinh dưỡng, chế độ ăn - khoa học thực phẩm Đại học Brigham Young, chia sẻ với tạp chí Health.
Đừng tưởng nước ép trái cây chỉ tốt cho sức khỏe
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 500.000 người trên khắp các châu lục. Kết quả cho thấy việc tiêu thụ đường từ các nguồn không phải dạng lỏng không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng việc tiêu thụ các loại đồ uống có đường thì có.
Dùng mỗi khẩu phần khoảng 30-60g đồ uống chứa đường bổ sung hằng ngày như các loại nước tăng lực, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 tăng thêm 25%. Với nước ép trái cây, dùng khẩu phần khoảng 230g hằng ngày có thể tăng thêm 5% nguy cơ.
Nhiều người tham gia nghiên cứu có thói quen uống các loại đồ uống có đường thường cũng có xu hướng ít hoạt động thể chất hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường - bà Laura A. Schmidt, Viện Nghiên cứu chính sách y tế và khoa nhân văn & khoa học xã hội, Trường Y, Đại học California, San Francisco, đánh giá.
Tại sao tiêu thụ đường ở dạng lỏng có thể có hại cho sức khỏe hơn?
Theo bà Della, đồ uống có đường có thể gây hại cho sức khỏe hơn vì chúng thường không có chất xơ, protein hay chất béo. Điều đó có nghĩa là chúng đi vào máu rất nhanh, gây ra sự tăng đột biến về lượng đường huyết và insulin, đồng thời bỏ qua tín hiệu no của não bộ.
Việc hấp thụ nhanh như vậy cũng có thể khiến gan bị quá tải trong việc xử lý đường, đặc biệt là thành phần fructose.
Ở liều lượng cao, fructose được chuyển hóa thành chất béo trong gan, sự tích tụ chất béo này có liên quan đến các rối loạn chuyển hóa như tình trạng kháng insulin ở gan, yếu tố thúc đẩy bệnh tiểu đường loại 2, Della cho biết.
Bà Schmidt cho rằng các thành phần khác, như phụ gia hóa học, phẩm màu nhân tạo và hương liệu thường thấy trong đồ uống có đường, có thể ảnh hưởng đến "sự cân bằng chuyển hóa vốn rất nhạy cảm của cơ thể".
Bà nói thêm rằng các loại đồ uống có đường như nước tăng lực, nước ngọt có gas và cocktail thường "gây hại cho sức khỏe và nên được tiêu thụ một cách thận trọng, lý tưởng nhất là không nên uống".
Làm thế nào để cắt giảm đồ uống có đường?
Theo bà Schmidt, đồ uống có đường có thể dễ dàng gây nghiện. Nếu bạn đã bị "mắc kẹt" với chúng, hãy cố gắng cai dần, giống như cách bạn cai rượu hoặc thuốc lá, bà chia sẻ. "Hãy chủ động lên kế hoạch cho những thời điểm bạn có khả năng thèm nước ngọt nhất", bà gợi ý thêm.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách pha nước soda không đường với một lượng tương đương nước trái cây hoặc nước ngọt. Sau đó, từng tuần một, hãy giảm dần lượng đồ uống có đường cho đến khi bạn chỉ còn uống nước soda không đường.
Schmidt khuyên bạn có thể thêm một chút nước chanh hoặc nước cốt chanh để thay thế. "Hãy biến điều này thành thói quen mới của bạn", bà cho biết.
Link nội dung: https://www.vanhien.info/an-uong-thuc-pham-co-duong-loai-nao-nhieu-tac-hai-voi-suc-khoe-a11254.html