Giải tỏa tâm lý sau mùa thi

Mỗi kỳ thi đi qua, khi nhiều học sinh tận hưởng kỳ nghỉ hè vui vẻ, cũng là lúc một số em rơi vào khủng hoảng, thậm chí bỏ nhà ra đi…

mùa thi - Ảnh 1.

Nhiều học sinh tận hưởng kỳ nghỉ hè vui vẻ, cũng là lúc một số em rơi vào khủng hoảng - Ảnh minh hoạ: DƯƠNG LIỄU

Tình trạng bỏ nhà đi không còn hiếm gặp, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sức khỏe tâm lý tuổi vị thành niên - điều đang bị xem nhẹ trong nhiều gia đình.

Khi "con không chịu nổi nữa"

Em T. (14 tuổi) được người dì ruột đưa đến một phòng khám tâm lý trong tình trạng trầm lặng, gần như không muốn trò chuyện với bất kỳ ai. Trước đó, T. đã đột ngột rời khỏi nhà, tắt điện thoại hoàn toàn và ở nhờ nhà bạn thân trong ba ngày. Gia đình hoảng loạn vì tưởng em mất tích.

Khi được hỏi, em T. chỉ cúi đầu và khóc. Trong buổi trị liệu đầu tiên, T. nghẹn ngào:

"Con không muốn bỏ nhà đi, nhưng con không chịu nổi nữa. Ở nhà không có ai để nói chuyện. Ba mẹ đã ly hôn, mẹ thì ngày nào cũng gọi video về chỉ để hỏi đã học chưa, nộp hồ sơ chưa... Mẹ đi làm xa cả tháng mới về, ba ở nước ngoài cũng chẳng quan tâm...".

TIN LIÊN QUANMùa thi, mùa... trầm cảmGiải tỏa tâm lý sau mùa thi - Ảnh 3.Giải tỏa tâm lý sau mùa thi - Ảnh 4.

Thí sinh căng thẳng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Nổi loạn hay tuyệt vọng?

Theo thạc sĩ Hoàng Quốc Lân - chuyên gia tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hành vi bỏ nhà đi ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt sau các kỳ thi, không chỉ đơn thuần là sự bốc đồng.

"Đằng sau đó thường là một quá trình dồn nén dài ngày của áp lực học hành, cảm giác cô đơn, bị so sánh hoặc thiếu sự thấu hiểu từ gia đình", ThS Lân nhận định.

Không ít bạn trẻ sau kỳ thi chia sẻ cảm giác tội lỗi và thất vọng vì "làm bố mẹ buồn", rồi âm thầm muốn rời khỏi nhà như một cách phản ứng đầy yếu ớt. Có em thậm chí xem việc bỏ đi như một hành động khẳng định cá tính - một ý tưởng không ít lần bị ảnh hưởng bởi các nội dung mạng xã hội.

"Việc rời khỏi nhà là cách các em lên tiếng, một lời cầu cứu lặng thầm khi cảm thấy không còn kết nối với người thân", chuyên gia Lân nói.

Còn PGS Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng đó là góc nhìn của bố mẹ có thể không đầy đủ nên cần có biện pháp an toàn nhất - đó là cho con đi khám tổng thể về mặt tâm lý và sức khỏe tinh thần.

Cha mẹ cần nhận diện sớm các dấu hiệu rối loạn cảm xúc như con ăn ngủ đảo lộn, không kiểm soát được; mức năng lượng sụt giảm; không muốn giao lưu với những người bạn mà trước đây con thường hay chơi; không muốn nói chuyện với bố mẹ mặc dù trước đây con là đứa hay nói chuyện.

Thậm chí con cũng có những thay đổi một số thói quen, sở thích khác hay những môn thể thao trước là đam mê giờ không còn…

Đặc biệt trong giai đoạn trẻ vị thành niên thì cực kỳ nhạy cảm hơn vì ảnh hưởng nội tiết tố thay đổi.

Chuyên gia phân tích hành động con bỏ nhà đi không chỉ sau một lần mẹ mắng mà đó là những vấn đề đã tồn tại từ lâu. "Có rất nhiều gia đình bố mẹ mang con đến nhưng con bị bệnh lại là do cha mẹ, lỗi là cha mẹ mà họ không nhận ra", ông Nam nói và khuyến nghị rằng cần thăm khám gia đình.

Ngoài ra, chính cha mẹ cũng cần được tư vấn về hành vi ứng xử của cha mẹ cho phù hợp với đặc điểm phát triển tâm lý của con cũng như hiểu được khó khăn giai đoạn lứa tuổi của con để qua đó có cách thức ứng xử phù hợp.

Đồng hành cùng con trẻ ra sao?

Theo ThS Lân, cha mẹ thường vô thức trở thành người gây áp lực khi chỉ quan tâm đến điểm số, kỳ vọng mà quên mất nhu cầu cơ bản của con trẻ là được hiểu và được đồng hành.

Sau kỳ thi, điều con cần không phải là những câu chất vấn, mà là một cái ôm và câu nói giản dị: "Dù điểm số thế nào, bố mẹ vẫn ở đây với con" hay "Con đã cố gắng rồi, nghỉ ngơi thôi nào". Cũng có khi chỉ cần một mẩu giấy nhỏ với dòng chữ "Mẹ luôn ở đây nếu con muốn chia sẻ" lại đủ sức kéo con ra khỏi vùng tối.

Nếu thấy con có biểu hiện tự tách mình khỏi gia đình, hay những lời nói tiêu cực kiểu "chẳng ai cần con", "con đi cho rồi", cha mẹ cần đặc biệt chú ý. Đây có thể là những chỉ dấu sớm của khủng hoảng tâm lý.

Thay vì mắng mỏ, hãy nhẹ nhàng nói: "Bố mẹ biết để nói ra không dễ, nhưng bất cứ lúc nào con muốn, bố mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe".

Sự hiện diện tinh thần và cảm xúc của cha mẹ chính là liều "thuốc bổ" quý giá nhất với con trong những giai đoạn nhạy cảm như chuyển cấp, thi cử tốt nghiệp.

Mỗi cái ôm, lời động viên, ánh mắt cảm thông có thể trở thành sợi dây kéo con ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, trước khi chúng trở thành hành động.

"Trẻ không cần bố mẹ hoàn hảo. Trẻ cần bố mẹ đồng hành", chuyên gia này nhắn nhủ.

Giải tỏa tâm lý sau mùa thi - Ảnh 3.Mùa thi uống nước cam 'giải tỏa căng thẳng' trong học hành?

Cam chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin C, kali. Cam giàu chất xơ, rất tốt cho sức khỏe đường ruột và cũng giúp tiêu hóa tốt hơn. Nhưng việc dùng cam có liên quan như thế nào đến sức khỏe não bộ?

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://www.vanhien.info/giai-toa-tam-ly-sau-mua-thi-a11132.html